Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Ngành học Lịch sử Thực trạng & những Giải pháp trước mắt

Ngành học Lịch sử Thực trạng & những Giải pháp trước mắt

Ngiên cứu khoa học theo kiểu "Gà Đẻ Trứng Vàng"


NGHIÊN CỨU KHOA HỌC THEO KIỂU
“GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG”
                                                                                         (Bài gửi đăng báo Người Lao động)  
Đối với các trường Đại học lớn, hoặc các trường Đại học Dân lập (hoàn toàn tự chủ về chương trình và kinh phí đào tạo) hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là linh hồn, là điều kiện sống còn để nhà trường thể hiện đẳng cấp, khẳng định chất lượng và thương hiệu của mình trong quá trình đào tạo các ngành nghề.  
Tuy nhiên, ở một số trường phụ thuộc vào ngân sách địa phương hoặc mới được “nâng cấp” lên Đại học thì hoạt động cao quí này lại là một “gánh nặng” và từ lâu cái linh hồn tội nghiệp này đã mắc phải một căn bệnh kinh niên, không hiểm nghèo nhưng lại rất khó trị. Đó là bệnh “thành tích” hoặc tệ hơn nó mang tính hình thức, đối phó, “tự lừa dối minh” và “lừa dối nhà nước”…
“Chuyện Đùa như Thật” đã diễn ra ở một trường đang được nâng cấp kể trên. Từ nhiều năm nay, NCKH của trường này chỉ nhằm để đối phó với định mức lao động 500 tiết trong một năm cho một giảng viên theo quy chế của Bộ GD-ĐT. “Giải pháp tình thế” cho cái định mức “khó nhai” này, ông Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu khoa học (HĐNCKH) đã đề ra một “sáng kiến” – Ông chủ trương tất cả mọi giảng viên một năm phải soạn một “bộ đề thi” cho một học phần đang trực tiếp giảng dạy để đưa vào “Ngân hàng đề thi” của Phòng Đào tạo. Hay quá! Từ cái ngân hàng này, Phòng Đào tạo và nhà trường sẽ đánh giá được chất lượng việc dạy và học một cách khách quan! Thế là tất cả các thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân đều bò ra mà soạn đề. Người chịu khó chỉ việc lôi các bộ đề cũ ra sữa chữa đôi chút và chỉ gõ máy tính trong một vài ngày là xong, người cẩn thận thì thủng thỉnh hoàn thành trong một vài tuần. Tệ hơn, có giảng viên 3 năm liền soạn đi soạn lại tới 3 lần “Bộ đề thi Lịch sử văn minh thế giới” và lại còn sao chép hàng chục đề từ một đề tài “Bộ đề thi Lịch sử văn minh thế giới” của một đồng nghiệp đã nghỉ hưu…Ông Hiệu trưởng tâm đắc lắm, các giảng viên cũng thở phào nhẹ nhõm vì không phải giảng viên nào cũng có khả năng NCKH, hơn nữa có phải là “Gà đẻ trứng vàng” đâu mà năm nào cũng “cố rặn” ra được một đề tài khoa học! Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như cả đàn gà im lặng tận hưởng cái “ổ rơm” êm ái đó. Chẳng có gì phải phàn nàn nếu như không có những “sự cố” là có một vài con gà cắc cớ năm nào cũng vô tình để “tọt” ra những quả “trứng vàng” thật! Thế mới chết! Lập tức, những con gà “dại dột” kia bị cả đàn cô lập, bị coi là lạc loài, mắc dịch cúm H5N1 và tất nhiên phải được chữa trị với những liều thuốc thật nặng!
Thực chất, NCKH của một trường lớn mà lấy việc biên soạn các bộ đề thi làm nội dung chính là không thể chấp nhận được. Nó không đúng định hướng khoa học và hơn thế, nó không động viên được sự sáng tạo khoa học của giảng viên. Soạn hết các bộ đề của các học phần giảng viên sẽ soạn gì tiếp theo? Bản thân các bộ đề thi chỉ là nhiệm vụ chuyên môn thông thường của mọi giảng viên và không thể lấy nó làm giải pháp tình thế hiện tại. Một bộ đề thi chỉ được coi là đề tài khoa học khi nó đảm bảo được các tiêu chí khoa học về đổi mới nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá như: phải đảm bảo được 5 mức độ đánh giá, nhất là các mức độ thông hiểuvận dụng kiến thức và có khả năng phân loại được chất lượng học tập của sinh viên. Các bộ đề phải phong phú về hình thức kiểm tra, đánh giá như đề tự luận, đề mở, đề vấn đáp và nhất là phải thử nghiệm loại đề thi theo phương pháp trắc nghiệm khách quan. Một số giảng viên muốn sửa chữa, bổ sung các câu hỏi trong các bộ đề thi đã nạp không biết phải làm như thế nào để cập nhật những cải tiến mới? Chưa hết, quy chế bảo mật lỏng lẻo, việc lộ đề thi là khó tránh khỏi và thế là lợi bất cập hại! Thực trạng chung là các bộ đề thi tự luận hiện nay của không ít những phân môn, học phần chỉ đảm bảo đánh giá được mặt bằng kiến thức và chỉ kiểm tra được những kiến thức ghi nhớ máy móc, học vẹt. Không có giá trị sử dung lâu dài. Hiện tại, quy hoạch đào tạo hệ CĐSP của nhà trường ngày càng thu hẹp dần. Nhiều phân môn không còn các lớp chính ban. Trường đã bước sang năm học thứ hai giảng dạy theo tín chỉ học phần, vậy đã có bao nhiêu các bộ đề dạy theo niên chế đã không thể sử dụng được nữa. Năm học mới, trường được nâng cấp lên Đại học, việc giảng dạy và học tập sẽ theo quy hoạch đào tạo mới, chương trình giảng dạy mới thì “Ngân hàng đề thi” với hàng trăm, hàng ngàn bộ đề thi của Phòng Đào tạo, công trình NCKH của hàng trăm giảng viên trong nhiều năm qua sẽ bị “phá sản” và trở nên vô giá trị! Đây là một sự lãng phí rất lớn về kinh phí trả tiền thẩm định, phản biện cho các “giáo sư, tiến sĩ” của HĐKH cấp Tổ, cấp Khoa, cấp Trường trả tiền vượt giờ phụ trội cho hàng trăm giảng viên (hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng), lãng phí công sức, thời gian và chất xám của đội ngũ khoa học nhà trường. Hơn thế nữa, nó tạo ra sức ì, kìm hãm và triệt tiêu mọi nhân cách sáng tạo của hàng trăm cán bộ, giảng viên.
Đến đây thì vẫn có thể lờ đi cho êm chuyện! Ai biết đấy là đâu và cho qua cũng chẳng chết ai cả! Điều “giở khóc, giở cười” là công đoạn “nghiệm thu đề tài NCKH” các cấp Tổ, Khoa và Nhà trường cũng lại tiến hành theo “quy trình” hình thức, đối phó đó. Tổ chuyên môn tổ chức nghiệm thu, phản biện qua loa, đại khái. Có những bộ đề mới chỉ hoàn thành quá nửa, những bộ đề sao chép, lặp lại của những năm trước hoặc chỉ soạn kín vài trang A4 cũng được nghiệm thu. Khoa thì không thèm thành lập HĐKH và chỉ báo cáo miệng kết quả các Tổ cho HĐKH cấp trường công nhận từng giảng viên hoàn thành nhiệm vụ NCKH theo danh sách đã đăng ký. Chủ yếu để tính định mức thanh toán tiền vượt giờ phụ trội! Không ít giảng viên lãnh số tiền mong đợi cả năm này lên tới hàng chục triệu đồng, và cũng không ít những giảng viên không có xu nào lại còn bị tuyên án “không hoàn thành nhiệm vụ NCKH” và bị khấu trừ vào giờ định mức lao động cho năm sau. Trớ trêu thay, “hình phạt nghiêm khắc” đó lại rơi vào những giảng viên có tâm huyết, có nhiệt tình, thực sự say mê công tác nghiên cứu khoa học! Ít nhiều họ cũng đã có đóng góp những ảnh hưởng khoa học của nhà trường cho địa phương và cho các trường Đại học, CĐSP trong toàn quốc. Có một vài giảng viên có lòng tự trọng khoa học, cố viết một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành, hoặc lặng lẽ nghiên cứu một vấn đề khoa học cho đúng nghĩa thì lập tức bị Tổ, Khoa gây khó dễ và bị coi như thù địch, phủ nhận không thương tiếc! Một thày giáo dạy Nhạc, có đề tài ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cấp Tỉnh đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật của Tỉnh và được Bộ GD-ĐT mua bản quyền xuất bản nhưng Chủ nhiệm Khoa lại không biết đọc phần mềm tin học nên yêu cầu thày phải in tất cả các bài giảng điện tử với những hiệu ứng kỹ thuật phim ảnh, âm thanh, nốt nhạc… ra giấy thì mới công nhận. Tệ hơn, những sáng kiến không được công nhận đó lại được xuất hiện ngang nhiên trong nhiều trang Luận án của một ông Tiến sỹ mới cùng Tổ ?! Một thày khác sắp về hưu nhưng đã có 5,6 đầu sách xuất bản ở Tỉnh, ở Bộ. Nhiều năm nay, năm nào thày cũng có một hai đề tài CNTT cấp Tỉnh đoạt giải Sáng tạo Kỹ thuật thì Tổ và Khoa nhất định không nghiệm thu vì những lý do xác đáng như: không đúng tên đề tài đã đăng ký, không chịu soạn bộ đề thi như mọi người – rồi là đề tài đã được HĐKH cấp Tỉnh nghiệm thu, lãnh giải rồi, hoặc chúng tôi không biết đọc những đề tài tin học…và “đồng chí”buộc phải “vui lòng chấp nhận” là đã “không hoàn thành nhiệm vụ NCKH” và dĩ nhiên phải bị phạt trừ 179 tiết lao động thôi!   
Như vậy, với những nguyên tắc máy móc, những lý sự “sắc như dao chém nước” đó của các khoa, tổ và lãnh đạo nhà trường thì sẽ có rất nhiều những đề tài khoa học không có giá trị sẽ được công nhận và có những đề tài khoa học thực sự đã bị phủ nhận theo những ý đồ ganh ghét, đố kỵ của các cá nhân có trách nhiệm!
      Nhìn lại nhiều năm qua, bộ mặt của nhà trường vẫn chưa có gì thay đổi, chưa phát huy được ảnh hưởng khoa học của nhà trường với các trường khác và với địa phương trường đóng một cách xứng tầm một trung tâm khoa học. Hai vấn đề quan trọng là nghiên cứu khoa học và Tin học hóa nhà trường từ nhiều năm nay đều rất trì trệ.
       Tuy bị “xử lý” một cách bất công và  nặng nề như vậy nhưng thày giáo già kia vẫn đưa ra những kiến nghị tâm huyết nhằm cứu vãn tình hình:
      - Đề tài khoa học từ nay nhất thiết phải mang tính mới, tính sáng tạo, tính cấp thiết, có các tiêu chí khoa học rõ ràng và có nhiều các định hướng khoa học.
- Không nhất thiết, một năm, giảng viên phải hoàn thành một đề tài khoa học, một bộ đề thi để đối phó và mang tính hình thức, không có giá trị khoa học. Đề tài có thể có nhiều định hướng về nội dung, ý tưởng và được phép nghiên cứu nhiều năm, mỗi năm học giảng viên hoặc nhóm nghiên cứu chỉ phải báo cáo tiến độ đã thực hiện được.
- Có các mức độ yêu cầu khoa học áp dụng cho từng học vị khoa học: Tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên chính, giảng viên thường…
- Cán bộ quản lý các Phòng, Ban và Ban Giám hiệu cũng phải có các đề tài NCKH hoặc sáng kiến kinh nghiệm chứ không phải chỉ làm lấy lệ khi đăng ký CSTĐ cấp này cấp nọ... 
- Hội đồng Khoa học phải có văn phòng, có quy chế, quy định thực sự khoa học và có lãnh đạo phụ trách cùng kế họach theo dõi, giúp đỡ, tài trợ cho các đề tài cấp Tỉnh, cấp Bộ hoặc quan tâm  hơn đối với những giảng viên mới ra trường.
- Đối với những giảng viên có những đề tài đạt giải như Sáng tạo Kỹ thuật, Chương trình 6 của Tỉnh sẽ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ NCKH và miễn phải đăng ký.
         Ở một cơ sở khoa học của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cán bộ, giảng viên không biết tin học, ngọai ngữ sẽ là những người mù chữ. Việc Tin học hóa nhà trường từ nhiều năm nay rất trì trệ. Nguyên nhân chính là việc phân công cán bộ quản lý và những định hướng phát triển khoa học – công nghệ của lãnh đạo nhà trường rất mù mờ. Website của nhà trường đã được thiết kế từ nhiều năm nay nhưng nội dung nghèo nàn, ít được cập nhật và không có những cơ sở dữ liệu khoa học về các ngành nghề đào tạo nên đã không có tác dụng quảng bá hình ảnh và thương hiệu đào tạo của nhà trường. Hệ thống máy tính khu Hiệu bộ và Thư viện đã được lắp máy lạnh, đã được nối mạng Internet nhưng chưa được thiết lập mạng nội bộ nên không có tác dụng quản lý các họat động hành chính, tài chính kế toán, hoạt động đào tạo và các họat động khoa học dựa trên những cơ sở dữ liệu chính xác. Cán bộ các phòng ban chỉ sử dụng máy tính để đánh máy văn bản, rảnh rỗi thì đọc báo hoặc chơi games, nghe nhạc…
         Việc ứng dụng CNTT và truyền thông trong quản lý và giảng dạy của nhà trường thì bị buông lỏng hoàn toàn và thực trạng rất yếu kém từ nhiều năm nay. Hạ tầng CNTT không bằng một số trường cấp 2, cấp 3 trong tỉnh. Phòng Hành chính quản lý toàn bộ các phòng học chức năng và các thiết bị multimedia là không đúng chuyên môn và không phù hợp với họat động dạy và học. Các phòng học nghe, nhìn không đúng quy cách về nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh… máy tính, máy chiếu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều phòng không còn tác dụng nghe nhìn vì máy chiếu rất mờ, loa và máy tính đã hư hết. Hệ thống các phòng học chức năng không được nối mạng internet nên tác dụng rất hạn chế. Việc sọan giảng bằng máy tính không được ai quản lý về nội dung chất lượng. Không ít giảng viên chỉ đưa lên được những khối chữ khổng lồ để khỏi phải viết bảng, không có các dữ liệu media, các kiên kết mở rộng bài giảng  hoặc các hiệu ứng kỹ thuật mang tính sư phạm và có giá trị trực quan. Nhiều lớp học sinh phàn nàn vì cứ phải nhìn mãi những khối chữ dày đặc đó thần kinh bị ức chế và rất nhức mắt…  Việc Phòng Hành chính quản lý đội ngũ cán bộ Tin học và quản lý các thiết bị nghe nhìn thay cho Phòng Đào tạo là không đúng chức năng và trái với nguyên tắc khoa học.
Vân vân và vân vân…
Nghe đâu, ông thày giáo già kia sau khi phát biểu xong phải đưa đi cấp cứu. Xe nhà trường lại đưa đến Bệnh viện Đa Khoa hiện còn đang đổ móng gần khu Amata! Rất may, ông chỉ bị “mất trí” tạm thời!
                                                    15-12-2011    
          


                                                                             
                                                                      HoàngAnh Khiêm
                                                                    Trường Đại Học Đồng Nai  


Địa chỉ: 8.17, Lô M, c/c Bàu Cát II, P.10, Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Đt: 0919150189


Ảnh: Một thày giáo nhận giải “Sáng tạo Kỹ thuật” tỉnh Đồng Nai  nhưng đã không được nhà trường công nhận hoàn thành nhiệm vụ NCKH.